Giấc mơ nông nghiệp bền vững – Những chú “Heo ăn chay” và trang trại xanh của ông Trương Sỹ Bá

Với ông Trương Sỹ Bá, chăn nuôi bền vững và phát triển xanh được xác định là mục tiêu mũi nhọn, là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. “Phát triển xanh là tốt, cho cả đất nước lẫn cho bản thân doanh nghiệp” – trích lời ông chủ “heo ăn chay”.

Một buổi chiều, người viết cùng bạn đồng hành lên xe, tiến về TP. Thủ Đức, TP.HCM. Rong ruổi qua những con đường, chúng tôi dừng chân tại một tòa nhà cao tầng trên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bước vào văn phòng của một doanh nghiệp.

Tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông trung tuổi mang gương mặt phúc hậu cùng dáng vẻ đậm người. Đó là doanh nhân Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF), một thành viên của Tập đoàn Tân Long.

Cơ duyên của buổi gặp mặt đến từ vấn đề có thể nói là sát sườn: Phát triển bền vững. Trong bối cảnh nhiều đạo luật liên quan đến câu chuyện này được ban hành trên thế giới như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), EUDR (Quy định chống phá rừng) của EU hay sự ra đời của tín chỉ carbon, việc thực hành phát triển bền vững là lựa chọn bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Với mảng nông nghiệp, Farm to Fork (F2F – từ nông trại đến bàn ăn) là chiến lược được Liên minh châu Âu (EU) đưa vào trọng tâm của Thỏa thuận Xanh châu Âu và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia.

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050. Trước mục tiêu này, đòi hỏi toàn xã hội và đặc biệt là các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững, hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn. Và BAF của ông Sỹ Bá lại là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi bền vững, áp dụng mô hình 3F (Feed – Farm – Food) để khép kín toàn bộ chuỗi sản xuất của mình.

Trước khi có BAF, Tập đoàn Tân Long của ông Sỹ Bá mạnh về thức ăn chăn nuôi, có thể nói nằm trong top đầu Việt Nam. Nhưng ngay cả khi BAF ra đời vào năm 2017, mục tiêu ban đầu chỉ để khảo nghiệm và ông cũng chưa hề có ý định xem chăn nuôi là mảng cốt lõi của Tập đoàn. Thậm chí, đã từng có thời điểm ông cho rằng chăn nuôi heo “không có điểm sáng”, bởi ngành có tính chu kỳ rất cao, dễ gây khủng hoảng cung vượt cầu, đẩy giá heo đi xuống và khiến nhóm chăn nuôi công nghiệp… đau khổ.

“Từ 2017 – 2020, chúng tôi nhận thấy thị trường chăn nuôi bấp bênh, tính chu kỳ rất cao. Đặc biệt là khi các hộ nhỏ lẻ nuôi nhiều, doanh nghiệp rất khó cạnh tranh lại. Bức tranh chăn nuôi khi đó không có tia sáng nào cả và chúng tôi đã xác định không phát triển” – trích lời vị doanh nhân.

Nhưng rồi đến cuối 2019 và đầu 2020, thời điểm dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn.

“Ngành chăn nuôi heo có thể phân ra 2 giai đoạn. Trước dịch ASF, thực chất chúng tôi chưa xác định chăn nuôi là cốt lõi, vì khi đó rất khó cạnh tranh. Giá lên, bán heo có lời, các hộ nhỏ lẻ tập trung nuôi, đẩy cung tăng vượt cầu khiến giá heo giảm sâu và lại thua lỗ. Nhiều năm liền, tôi nhận thấy câu chuyện này lặp đi lặp lại”.

Thị trường khi đó phụ thuộc vào các hộ nhỏ lẻ, nằm trong tay người nông dân. Ông Bá chia sẻ, tỷ lệ đàn của nông dân trước dịch ASF chiếm trên 70%, nhóm chăn nuôi công nghiệp chỉ chiếm khoảng dưới 30%. “Nghĩa là nông dân là nhóm quyết định giá. Đó là thực tế khi đó” – ông Sỹ Bá cho biết.

Dịch ASF xuất hiện đã mang đến hệ lụy lớn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ông Sỹ Bá, dù xác định đây là thách thức lớn, nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho nhóm chăn nuôi công nghiệp; bởi các hộ nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn khi công tác an toàn sinh học không tốt, khó bảo vệ đàn.

“BAF khi đó mới xác định phát triển mạnh chăn nuôi, bắt đầu từ 2020” – ông Bá nói.

Có mục tiêu cụ thể, câu hỏi còn lại là phát triển nó theo hướng nào. Ông Bá chia sẻ, khi quan sát trong lịch sử, các doanh nghiệp FDI hầu như đều thuê trại trong nước với tiêu chuẩn đơn giản, xử lý nước thải qua loa. Nhìn thấy bức tranh ấy, ông cũng tìm ra con đường phải đi, đó là phát triển bền vững.

“Việt Nam sớm muộn gì cũng phải hội nhập, mà ở đó bảo vệ môi trường, phát triển xanh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. BAF cũng là doanh nghiệp Việt, phải hiểu làm sao bảo vệ môi trường, bảo đảm cho các hộ dân xung quanh không phải chịu mùi hôi. Đó là trách nhiệm với xã hội. Khi BAF đã xác định đây là ngành mũi nhọn mà không tới bền vững thì sao phát triển được” – vị doanh nhân nói tiếp.

Do vậy, BAF quyết định đầu tư những trang trại hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là hệ thống nước thải, sao cho đúng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

“Không thể đánh đổi kinh tế và môi trường” – Chủ tịch BAF nhấn mạnh. “Gần đây nhất, ở Đồng Nai, có 370 trang trại phải đóng cửa vì không đảm bảo tiêu chuẩn. Từ đầu năm 2025, Luật chăn nuôi mới sẽ đi vào thực hiện, các trang trại không đủ chuẩn về chuồng trại, môi trường cũng sẽ bị buộc đóng cửa. Dự báo được điều này, chúng tôi xác định phải phát triển hiện đại, xử lý môi trường bền vững ngay từ đầu”.

Cũng theo ông Sỹ Bá, doanh nghiệp theo đuổi kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững có thể nhận được sự hỗ trợ rất lớn khi kêu gọi các nguồn tài chính xanh. BAF năm 2023 đã nhận được nguồn tài trợ tới 900 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – đơn vị đang đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp có yếu tố phát triển bền vững trong những năm gần đây.

“Khi phát triển bền vững là xu thế, ai cũng phải tuân thủ, nếu không sẽ khó kêu gọi được nguồn tài chính xanh – nguồn vốn đang rất dồi dào và có lãi suất tốt hơn rất nhiều so với ngân hàng trong nước. Như hiện tại, BAF có thể tận dụng nguồn vốn của IFC, là vốn dài hạn, lãi suất tốt, lại thu hút được thêm các nhà đầu tư khác quan tâm” – ông Bá đánh giá – “Với các tổ chức nước ngoài lớn như IFC, nếu doanh nghiệp không có các chỉ số phát triển bền vững đúng đắn, họ sẽ không đầu tư”.

Do vậy “việc phát triển xanh là rất tốt, cho cả đất nước và bản thân các doanh nghiệp” – vị doanh nhân kết luận.

Năm 2022, BAF ra mắt thương hiệu thịt “Heo ăn chay”. Gọi là ăn chay, bởi những chú heo trong trang trại của Doanh nghiệp sử dụng cám thuần chay với nguồn gốc từ thực vật (bắp, đậu nành…).

Trong buổi ra mắt, ông Sỹ Bá không dưới 2 lần khẳng định những miếng thịt heo ăn chay của BAF là “ngon số 1 Việt Nam”. Sự tự tin này đến từ nhiều yếu tố. Theo vị doanh nhân, khác với cám chay, việc sử dụng cám từ bột xương thịt có tiềm ẩn rủi ro mầm bệnh. Cộng thêm quá trình khép kín chuỗi sản xuất bằng mô hình 3F, mọi thứ được kiểm soát từ con giống, thức ăn chăn nuôi cho tới giết mổ và phân phối. Hơn nữa, “heo ăn chay có thể gắn mác thịt sạch, đảm bảo mọi tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm” – ông Bá nhấn mạnh về ưu điểm sạch của thịt heo ăn chay.

Tuy nhiên, câu chuyện về heo ăn chay còn có đích đến sâu xa hơn. Không chỉ dừng lại ở miếng thịt, những chú heo ăn chay của ông Bá có đóng góp lớn vào quá trình phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ cho riêng doanh nghiệp mà cho cả ngành chăn nuôi Việt Nam.

Đầu tiên là nguồn thức ăn. Với mô hình khép kín 3F, hệ sinh thái của BAF có nhà máy sản xuất cám. Trong đó, nguồn cung nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ 80% đến 95% và phải đảm bảo bền vững. Tất cả nhà cung cấp được yêu cầu phải có chứng chỉ bền vững, chứng minh nguồn gốc không liên quan đến phá rừng.

“Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế về bền vững và an toàn thực phẩm như Global GAP hay FSSC22000, và hiện chúng tôi có 2 nhà máy nằm trong những đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ tại Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động sản xuất cám cũng phải được kiểm kê, đảm bảo yếu tố giảm phát thải khí nhà kính” – ông Bá chia sẻ.

Thứ hai là các hoạt động về trại chăn nuôi tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững. Cần biết rằng, ngành chăn nuôi gây áp lực rất lớn cho môi trường bởi lượng phát thải khí nhà kính khổng lồ. Hiểu điều này, ông Bá định hướng các nhà máy phải xây theo tiêu chuẩn hiện đại của quốc tế, an toàn và có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn.

“Ngành chăn nuôi phát thải nhà kính rất lớn (khí methane), phát sinh từ phân heo khi xuống bể biogas, quá trình vi sinh hóa tạo ra khí này ở mức rất cao. BAF xác định giảm khí nhà kính bằng cách thay vì đẩy xuống bể biogas, chúng tôi sẽ cào hết phân heo ra ngoài, tách nước và ủ để làm phân bón vi sinh. Lượng còn lại (rất ít) được đưa xuống biogas, giúp khí thải giảm 80%.

Nhờ vậy, BAF thực hiện được kinh tế tuần hoàn, khi phân vi sinh sẽ đưa xuống các cánh đồng lúa A An của Tân Long thay cho phân bón vô cơ hiện tại. Nói thêm, xu hướng tương lai của ngành gạo cũng là bền vững, nên cũng dần phải chuyển sang hữu cơ” – theo lời Chủ tịch BAF.

Bên cạnh đó, ông Bá cho biết, các trang trại của BAF sẽ sớm lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm hướng tới trang trại sở hữu nguồn điện tự cung tự cấp và quan trọng là năng lượng sạch, bởi thực tế điện lưới phần lớn đang lấy từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. “Hiện tại, trang trại vẫn đang dùng điện lưới, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ lắp toàn bộ điện mặt trời mặt trời áp mái. Tháng 6/2024 sẽ lắp hệ thống đầu tiên” – ông nói thêm.

Việc sử dụng thức ăn thuần chay, theo ông Bá, cũng là một lợi thế trong quá trình làm chăn nuôi bền vững. “Thức ăn chăn nuôi thuần chay giúp heo tiêu hóa thức ăn triệt để hơn, làm giảm mùi hôi của chất thải và giảm được lượng chất chuyển hóa thành khí nhà kính trong phân heo”.

Ngoài ra, ông Bá cho biết, BAF còn có quy định ngặt nghèo về quản lý an toàn sinh học, dịch bệnh, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Đặc biệt, sau khi IFC tham gia, còn có thêm các yếu tố về giảm phát thải khí nhà kính cùng phúc lợi động vật.

“IFC có các tổ chức tư vấn cho chúng tôi về việc kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi. Họ nói có thể giảm tới 70% – 80% lượng khí thải carbon, nhưng hiện chưa đo lường được. Về bản chất, cần một công ty quốc tế chứng nhận để được các tổ chức quốc tế công nhận. Chi phí cũng không tốn kém, vì IFC đồng ý chịu 50%. Cùng với đó là yêu cầu đảm bảo phúc lợi động vật, như chuyển dịch nuôi nhốt heo nái mang thai theo nhóm, kích thước hệ thống chuồng trại tạo môi trường sống thoải mái cho heo…”.

Đó là những gì doanh nhân Sỹ Bá nói về ý tưởng cho đến quá trình đầu tư bài bản hệ thống trang trại bền vững của mình.

Người viết đã có cơ hội đến tham quan thực tế cụm trại Hải Đăng – một megafarm của BAF, mới khánh thành vào giữa tháng 3/2024. Cụm trại có quy mô bằng 3 trại thường, diện tích 66ha, cho năng suất 5 ngàn heo nái và 60 ngàn heo thịt.

Hải Đăng là một trong những trang trại xanh mà BAF lập ra. Ông Bá cho biết, cụm trại áp dụng những công nghệ chuồng hầm hiện đại, với trang thiết bị, hệ thống quản lý tự động và xử lý nước thải được nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc. Đơn cử, phân heo sẽ được xử lý bằng hệ thống cào, sau đó chuyển đến các tháp ủ phân. Tại đây, chất thải được ứng dụng công nghệ sinh học, tạo ra nước tưới cây, phân hữu cơ bón cho các cánh đồng lúa của Tập đoàn Tân Long, góp phần giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam.

Chi phí đầu tư cho cụm trại quy mô như megafarm Hải Đăng khoảng 500 – 600 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với việc đầu tư 3 trang trại riêng biệt, nhờ tiết giảm được chi phí đầu tư tại nhiều hạng mục (hạ tầng, khu sinh hoạt…). Trong đó, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải là 48 tỷ đồng trên tổng số hơn 500 tỷ đồng vốn đầu tư, tức chiếm gần 10%.

“Nhiều doanh nghiệp thuê trại chỉ bỏ ra vài trăm triệu đồng để xử lý nước thải, chiếm một phần rất nhỏ trong chi phí đầu tư. Các trại của BAF được Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh đánh giá rất cao về chất lượng và kỹ thuật xử lý nước thải” – ông Bá cho hay.

Chưa kể, số phân này sẽ đóng góp một phần vào doanh thu cho BAF. Theo ông Bá, cụm trại Hải Đăng có thể xử lý hàng ngàn tấn phân mỗi tháng, thu về khoảng 300 tấn phân khô. Hiện tại, số phân này đang được xử lý theo hướng vi sinh hóa và bán sản phẩm cho nông dân hoặc các doanh nghiệp khác sản xuất hữu cơ. Nhưng dự kiến từ tháng 8/2024, phân sẽ được dùng cho đồng lúa của Tập đoàn Tân Long. Ước tính, mỗi tấn phân khô sẽ mang về khoảng 1 triệu đồng doanh thu.

“Lượng phân thực tế ra nhiều, nhưng thành sản phẩm là phân bón khô sẽ giảm khối lượng xuống. Nghĩa là mang về 300 triệu đồng/tháng so với việc không mang lại gì” – Chủ tịch BAF nói thêm.

Ông Sỹ Bá từng chia sẻ về tham vọng đưa tổng đàn của BAF lên 6 triệu con heo vào năm 2030. Trong ngắn hạn, đến hết năm 2024 là 430 ngàn con, cho ra 1 triệu heo thương phẩm. Với các mục tiêu trên, BAF lên kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi. Bên cạnh megafarm Hải Đăng, ngay trong tháng 3, BAF cũng vận hành thêm 2 trang trại là Tân Châu và Tâm Hưng, đồng thời khởi công thêm một trang trại nữa là Tây An Khánh. Tính đến thời điểm hiện tại, BAF có 14 trang trại ở tỉnh Tây Ninh, chiếm 50% lượng heo của tỉnh.

Trên phạm vi cả nước, Doanh nghiệp đã đưa vào vận hành 32 trại nuôi heo nái và heo thịt, tương lai sẽ còn tiếp tục mở rộng, xây mới các trang trại theo tiêu chuẩn xanh, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và đàn heo 6 triệu con, theo chia sẻ của ông Sỹ Bá.

Tuy nhiên, theo ông, để xây được một cụm trại quy mô như Hải Đăng là không đơn giản. “Đất rộng như thế không phải lúc nào cũng có. BAF hiện tại đang có một vài dự án tương tự, như ở Tây Nguyên đang có 6 – 7 dự án đã mua đất, quy mô giống Hải Đăng. Ở Nghệ An có trại Giai Xuân cũng có quy mô như vậy, hiện đã san lấp và sắp làm lễ khởi công. Trại Hải Hà ở Quảng Ninh đang xây, tháng 6 có thể bàn giao, quy mô như Hải Đăng. Một trại megafarm, tính từ lúc có giấy phép xây dựng đến khi hoàn thiện sẽ mất 8 – 10 tháng, tùy điều kiện thời tiết” – ông nói thêm.

Ảnh: Trang trại heo của BAF nằm tách biệt với khu dân cư để đảm bảo việc không gây ảnh hưởng về mùi hôi và chất thải

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các trang trại xanh cho phép BAF nghĩ về những câu chuyện xa hơn, như việc tham gia vào thị trường mua bán tín chỉ carbon đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.

Chủ tịch BAF chia sẻ, thị trường tín chỉ theo cách hiểu của ông sẽ có 2 loại là tự nguyện (đã có trên thế giới) và bắt buộc (ở Việt Nam thì chưa, nhưng dự kiến là 2028 bắt đầu). Nếu bắt buộc cho ngành chăn nuôi thì chắc chắn BAF phải tham gia, sau đó tùy theo mức độ thực tế mà có quyền chuyển nhượng lượng phát thải dư ra so với hạn ngạch theo quy định. Còn nếu là tự nguyện, BAF sẽ tham gia tùy theo khả năng và nhu cầu của mình.

“Đối với BAF, chúng tôi cam kết phát triển bền vững và nhận thức rằng chuyển đổi xanh là xu thế bắt buộc, không sớm thì muộn và ai nắm bắt được cơ hội sẽ là người chiến thắng. Hiện tại chúng tôi đang thực hiện kiểm kê khí nhà kính, dù theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam hiện tại thì việc kiểm kê này chưa áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi.

Chính vì lẽ đó, chúng tôi cam kết đầu tư vào môi trường và cam kết giảm phát thải thông qua các dự án như phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, xử lý phân thành phân bón hữu cơ, thu hồi khí CH4 ở các trại heo. Chúng tôi không chỉ mong muốn có nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon từ các dự án này mà còn hướng đến nguồn tài chính xanh, phát triển bền vững” – trích lời ông Sỹ Bá.

Trong ngắn hạn, bức tranh của BAF năm 2024 cũng có phần sáng sủa, theo nhận định của ông Sỹ Bá. Tài liệu ĐHĐCĐ 2024, BAF cũng tự tin dự trình các chỉ tiêu kinh doanh tăng mạnh so với năm trước. Cụ thể, doanh thu mục tiêu hơn 5.5 ngàn tỷ đồng, tăng 6%; lãi sau thuế gần 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước, cũng là mức cao thứ 2 kể từ khi thành lập năm 2017. Trước đó, năm kinh doanh thành công nhất của BAF là 2021 với mức lãi ròng 322 tỷ đồng.

“Năm 2023, thú thực là ngành heo thế giới đều gặp khó. Tập đoàn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc lỗ tới 1.5 tỷ USD.

Quý 1/2024, nhiều khả năng kết quả chưa cao, vì trên thị trường thức ăn chăn nuôi – thứ chiếm 70% giá thành của con heo – giá đầu vào 2023 rất cao. Giá nguyên liệu sau đó có giảm, nhưng ở đâu đó quý 4/2023 (khoảng 20 – 30%). Nhưng sự giảm của giá nguyên liệu có độ trễ trong ghi nhận vào doanh thu, nên sẽ phải ghi nhận ở quý 2/2024. Nhìn chung, từ quý 2 năm nay, khả năng là cực kỳ tốt, vì giá nguyên liệu đã giảm mạnh. Trong khi đó, giá heo hơi hiện nay là 60,000 – 61,000 đồng/kg” – ông Bá chia sẻ.

Riêng với trại Hải Đăng, ông Bá cho hay, ngày 10/04 có thể bắt đầu thả heo. “Heo thả vào quý 2 sẽ ghi nhận doanh thu vào đến quý 4. Với quy mô 150,000 heo thương phẩm/năm, nếu tính giá 50,000 đồng/kg thì có thể mang về 750 tỷ đồng doanh thu. Chúng tôi kỳ vọng thu lời từ 800,000 – 1,000,000 đồng/con hoặc kịch bản xấu hơn là 500,000 đồng/con, khi đó Hải Đăng sẽ đóng góp lợi nhuận khoảng 75 – 150 tỷ đồng”.

Nhận định chung về cả năm, ông Bá tự tin về sự thuận lợi chung của ngành chăn nuôi, dựa trên các yếu tố: giá nguyên liệu đầu vào giảm 20% – 30%, về mức bình thường trước chiến tranh Nga – Ukraine; tổng đàn của Việt Nam năm 2023 (đặc biệt cuối năm) giảm mạnh vì đàn nái chết do dịch bệnh, nên nguồn cung sẽ thiếu, từ đây dẫn đến giá heo tăng mạnh.

“Tôi dự kiến giá heo sẽ tăng thêm 5,000 đồng nữa, tức 65,000 đồng/kg mới đi ngang, ổn định. Đến cuối năm, giá có thể dao động quanh mức 55,000 – 60,000 đồng/kg. Bình quân trong năm, tôi nghĩ giá ở mức 57,000 đồng. Với giá này, lợi nhuận của mỗi con heo là khoảng 1 triệu đồng/con, dự báo lợi nhuận năm nay tối thiểu 350 – 700 tỷ đồng.

Bên nào bảo vệ được đàn thì rất ít khả năng lỗ. Năm nay, BAF dự tính tỷ lệ chết dịch không được vượt 5% là thành công” – ông tự tin khẳng định.

Nguồn: [Longform] Giấc mơ nông nghiệp bền vững, những chú “heo ăn chay” và trang trại xanh của ông Trương Sỹ Bá | Vietstock