Tính từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 4/2023, giá heo hơi ghi nhận giảm nhẹ từ 53.000 đ/kg và tạo đáy quanh vùng giá dưới 50.000 đ/kg. Sau giai đoạn tạo đáy, giá heo hơi đã tăng 18% lên mức giá 59.000 đ/kg vào ngày 21/5/2023.
Giá heo hơi tăng 18% lên mức 59.000 đồng/kg
Lý giải cho việc tăng giá, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sụt giảm nguồn cung do nông hộ không tái đàn vì thua lỗ và ảnh hưởng của dịch bệnh ASF.
Trong các tháng đầu năm, giá heo giảm trong thời gian dài và giá thức ăn chăn nuôi duy trì mức cao đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nông hộ. Giá vốn của nông hộ rơi vào trên 53.000 – 55.000 đồng/kg và phải chịu lỗ đến 1 triệu/con heo bán ra. Ngoài ra, lo ngại trước sự trở lại của dịch tả lợn châu Phi, cùng với tiêu thụ thịt heo giảm trong bối cảnh lạm phát trong quý 1 ghi nhận mức cao là nguyên nhân khiến người nông dân hầu như không tái đàn.
Nguồn cung sụt giảm đã tạo điều kiện cho việc giá heo hơi tăng 18% trong gần 1 tháng gần đây. Đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi heo hiện đại theo mô hình 3F (FEED-FARM-FOOD) có giá vốn thấp quay trở lại đà tăng trưởng.
Cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi heo hiện đại 3F
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (niêm yết trên HOSE, mã chứng khoán BAF) được xem là đơn vị tiêu biểu trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi hiện đại 3F (FEED-FARM-FOOD).
Về mảng FEED, công ty đã đưa vào vận hành 3 nhà máy cám “chay” sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) nguồn gốc thực vật, không chất tạo nạc đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi. 3 nhà máy có công suất khoảng 460.000 tấn/năm, đạt 2 chứng nhận thế giới cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng sản xuất TACN là GLOBAL GAP CFM 3.0 và FSSC 22000 Ver 5.1
Về mảng FARM, đưa vào vận hành và khởi công một loạt trại nâng số lượng trang trại đang vận hành và triển khai lên 23 trang trại. Hệ thống trang trại khép kín của BaF áp dụng công nghệ hiện đại đến từ châu Âu, công nghệ cho ăn tự động thông qua hệ thống điều khiển trung tâm giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa người đối với vật nuôi, hạn chế tối đa dịch bệnh, tiết giảm đáng kể chi phí nhân công, tỷ lệ tuần hoàn nước 95%.
Về mảng FOOD, ra mắt thành công sản phẩm Heo Ăn Chay BAF Meat chất lượng cao sử dụng hoàn toàn nguồn cám Chay có nguồn gốc đạm thực vật. Liên tiếp mở rộng chuỗi phân phối với hơn 60 cửa hàng Siba Food và hơn 300 Meat Shop trải dài khắp Việt Nam.
Việc đầu tư bài bản cùng với sự hỗ trợ của IFC – Tổ chức tài chính Quốc tế đã mang lại những bước phát triển nhanh chóng cho BAF. Hiện tại, BAF lọt vào Top 5 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn nhất cả nước. Tổng sản lượng heo bán ra trong năm 2022 đạt hơn 303.500 con tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tính hiện tại, tổng đàn của BaF lên đến khoảng 230.000 đầu heo, giá vốn rơi vào khoảng 45.000 đ/kg.
BAF định hướng tiếp tục mở rộng hệ thống trang trại hiện đại, đưa vào vận hành thêm 9 trại vào cuối năm 2024. Dự kiến tổng đàn sẽ đạt 90.000 heo nái và 2,2 triệu heo thương phẩm.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (niêm yết trên HOSE, mã chứng khoán DBC) đơn vị đa ngành lâu đời trong mảng chăn nuôi. Mảng kinh doanh chính của DBC là chăn nuôi heo, nuôi gà và phát triển bất động sản.
Trong quý 1, DBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ ròng 321 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 8,6 tỷ, đây cũng quý lỗ lớn nhất của Dabaco từ trước đến nay.
Tính đến giữa tháng 4/2023, tổng đàn heo của DBC đạt 120.000 con giảm 25% so với cùng kỳ (theo VCBS). Theo ông Nguyễn Như So – Chủ tịch Dabaco, giá thành sản xuất mảng heo của DBC này đang ở mức 55.000 – 56.000 đồng/kg.
Giá heo hơi dự kiến tiếp tục sẽ tiếp tăng do nguồn cung hạn chế và ảnh hưởng của dịch bệnh ASF
Tính đến nay, thị phần chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ còn khoảng 25%-30% giảm mạnh so với mức 70% trước đây. Số lượng nông hộ tại Việt Nam đã giảm gần gấp 5 lần chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ trong 10 năm gần đây.
Theo ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch Hội đồng quản trị BAF, trong bối cảnh dịch ASF đang hoành hành thời gian qua, tổng đàn heo của Việt Nam bị hao hục 20-25%. Ngoài ra, giá heo giao dịch quanh vùng đáy đã khiến nông hộ bán ra ồ ạt và hạn chế việc tái đàn. Dưới tác động của dịch bệnh, dự báo cuối tháng 5 cho đến hết quý 2 năm sau, giá heo hơi bình quân sẽ rơi vào khoảng 60.000 – 65.000 đồng/kg.
Theo dự báo của OECD, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030. Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt heo bình quân ở Việt Nam là 31kg/ người.
Nguồn cung heo tiếp tục hạn chế trong thời gian sắp đến cùng với sự hồi phục của tổng cầu sẽ là chất xúc tác chính thúc đẩy giá heo hơi. Hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại quay lại đà tăng trưởng.