Trong phiên giao dịch đầu tiên tại sàn HoSE (ngày 03/12), cổ phiếu BAF của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF, Công ty) đã tăng kịch trần gần 20%, tương ứng mức 24,000 đồng/CP, từ mức giá tham chiếu 20,000 đồng/CP.
Theo đó, ngày 03/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã tổ chức lễ trao quyết định niêm yết và đưa 78 triệu cổ phiếu BAF của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam vào giao dịch. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu BAF đạt 780 tỷ đồng. Theo nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, việc BAF chính thức giao dịch trên sàn HoSE sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho thị trường vào ngành chăn nuôi vốn nhiều tiềm năng, đặc biệt khi mà vị thế cạnh tranh cốt lõi của BAF hiện được xếp Top trong các doanh nghiệp chăn nuôi.
Mở đầu phiên giao dịch, cổ phiếu BAF đã tăng kịch trần với biên độ giá tăng gần 20% lên 24.000 đồng/cp và duy trì đà tăng đến cuối phiên giao dịch, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi. Bà Bùi Hương Giang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện: “Việc niêm yết trên HOSE đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của BAF với những mục tiêu lớn và bền vững hơn, trên hành trình trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi hiện đại hoàn toàn khép kín 3F (Feed – Farm – Food). Đây là bước đi mang tính chiến lược của doanh nghiệp, qua đó nâng tầm vị thế, giá trị thương hiệu và tính minh bạch của công ty, giúp tăng tính thanh khoản cổ phiếu và củng cố năng lực tài chính doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn. Đồng thời, sự kiện này hiện thực hóa cam kết, đảm bảo lợi ích cao nhất tới các cổ đông công ty và các đối tác trong hệ sinh thái của BAF”.
BAF định hướng phát triển thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, và chế biến thực phẩm. BAF hoàn toàn kiểm soát chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp – thực phẩm thông qua việc vận hành mô hình chuỗi khép kín từ nguyên liệu thô, nhà mày cung cấp cám, trang trại chăn nuôi, nhà máy xử lý thương phẩm bán lẻ và chế biến thức ăn.
Về chiến lược kinh doanh trong giai đoạn 2021 – 2025, Công ty sẽ tập trung phát triển chăn nuôi, tăng quy mô chuồng trại, cũng như hoàn thiện tối ưu chuỗi cung ứng hiện có. Cụ thể, đối với lĩnh vực chăn nuôi heo, trong vòng 5 năm tới, BAF dự kiến sẽ thành lập thêm từ 35 – 40 trang trại ở khắp các tỉnh trên cả nước để tối ưu công suất đầu ra của sản phẩm. Công ty đặt mục tiêu mảng chăn nuôi đạt 1 triệu con heo thịt thương phẩm bán ra thị trường cho mốc đầu tiên năm 2023, đạt 2 triệu con vào năm 2025 và đạt từ 5,5 – 6,0 triệu con năm 2030. BAF hướng đến trở thành 01 trong 05 Công ty về chăn nuôi hàng đầu Việt Nam. Mục tiêu về Tổng đàn nái đạt 200.000 nái các cấp vào năm 2030.
Đối vối lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, BAF Việt Nam dự kiến nâng cấp, mở rộng hoạt động nhà máy cám để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, tương ứng với việc mở rộng quy mô trang trại trong thời gian tới; với mục tiêu hướng tới là để hạn chế những biến động tức thời của nguyên liệu đầu vào, đến các trang trại chăn nuôi của BAF. Do đó, kể từ đầu năm 2021, Công ty đã lên kế hoạch mua 01 nhà máy cám tại Tây Ninh với công suất 200.000 tấn/năm và xây dựng 01 nhà máy cám tại Nghệ An với diện tích 28.000 m2, công suất thực hiện lên tới 180.000 tấn/năm. Theo đó, khi kế hoạch đi vào triển khai, sản lượng thực phẩm chăn nuôi sản xuất ra sẽ đáp ứng 100% nhu cầu thức ăn chăn nuôi nội bộ của BAF.
Đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản, BAF tiếp tục có chiến lược và kế hoạch duy trì dòng tiền tích cực và bền vững từ mảng hoạt động này, đến thời điểm hiện tại, BAF hiện đang có hoạt động kinh doanh nông sản trên cả thị trường nội địa và quốc tế, với nguồn cung ứng dồi dào và giá cả bình ổn. Sản phẩm nông sản chủ yếu gồm: ngô hạt, khô dầu đậu tương, lúa mỳ. Hiện tại, BAF sở hữu hệ thống 15 trại nuôi heo Nái và heo Thịt trải dài trên khắp cả nước như: trang trại 1.200 nái Hạt nhân Cụ kỵ (Bình Phước); trang trại 2.400 nái Bố mẹ (Bà Rịa – Vũng Tàu); trang trại 2.400 nái Bố mẹ (Bình Thuận); trang trại 2.400 nái Bố mẹ (Thanh Hóa), 1.200 nái Ông bà (Hòa Bình), 2.400 nái Ông bà (Tây Ninh), 5.000 nái Ông bà (Phú Yên) – sẽ đầy công suất chuồng Q1/2022 và các trang trại heo thịt khác tại Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Bình Dương, Nghệ An, Đăklăk, Kontum…
BAF cho biết, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và yếu tố không thuận lợi từ thị trường thịt heo, nhưng do Công ty kiểm soát được chi phí, cũng như đảm bảo được năng suất đàn heo, nên kết quả kinh doanh hợp nhất của Công ty vẫn tích cực. Mặt khác do năm 2021, Công ty chuyển dịch từ hoạt động kinh doanh nông sản thuần tuý, sang ngành chính là chăn nuôi, nên tỷ suất lợi nhuận cũng tăng cao. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11/2021, giá heo hơi đồng loạt tăng cao tại nhiều tỉnh thành ở cả 3 miền, với mức giá trung bình từ 48.000 – 52.000 đồng/kg.
Theo Nhịp sống kinh tế