(Vietstock.vn) Thị trường chăn nuôi Việt Nam hiện đang tỏ ra rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, đó là nhận định của ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF).
Trải qua nhiều năm, ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam đã gây dựng được tiếng tăm trên thương trường quốc tế. Dù chỉ có diện tích “khiêm tốn”, đứng thứ 66 thế giới, năng lực chăn nuôi lại ở hàng đầu.
Công bố tại hội nghị do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hồi cuối tháng 7/2023, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con, thứ 6 về sản lượng thịt đối với ngành chăn nuôi heo. Không chỉ vậy, tốc độ phát triển ngành trong 10 năm qua luôn được duy trì ở mức 5%-7%.
Đây cũng chính là các lý do khiến ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT BAF tin rằng ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ và giàu hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo như chia sẻ tại một buổi phỏng vấn gần đây.
Ông Trương Sỹ Bá tin rằng thị trường chăn nuôi Việt Nam là mảnh đất màu mỡ, thu hút đầu tư nước ngoài
|
Mảnh đất màu mỡ, chăn nuôi khép kín là xu thế
Ông Bá cho rằng nhu cầu thịt heo của Việt Nam là rất lớn, dựa trên những số liệu từ thực tế. Chủ tịch “heo ăn chay” nhận định, Việt Nam có cơ cấu 100 triệu dân, trong đó 60% – 70% cơ cấu bữa ăn là từ thịt heo. “Đây là lý do dẫn đến Việt Nam nằm trong top 5 sản lượng heo của thế giới”, theo ông Bá.
“Nhu cầu thịt heo tại Việt Nam là rất lớn, đến từ nhiều yếu tố như dân số tăng, trong khi lượng thịt heo tính trên đầu người vẫn ở mức thấp, khoảng 30 – 32kg heo hơi/người. Để so sánh, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 65kg, Mỹ và châu Âu là 90kg. Như vậy, tiềm năng khi dân số tăng và tỉ lệ thịt heo trên đầu người sẽ tăng theo khi phát triển kinh tế”.
Một yếu tố khác chứng minh tiềm năng đầu tư của ngành chăn nuôi heo, theo ông Bá, là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm xuống.
Nhiều yếu tố khiến chăn nuôi heo tại Việt Nam trở nên tiềm năng, từ tỷ lệ tiêu thụ đầu người cho đến cơ cấu giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
|
“Chăn nuôi nhỏ lẻ giảm xuống, chăn nuôi công nghiệp lấn sân và ngày càng phát triển. Đây thật sự là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi. Minh chứng là FDI đang đầu tư rất mạnh vào Việt Nam. Ngay cả BAF cũng xác định chăn nuôi là cốt lõi trong tương lai. Đây là mảnh đất lớn, rất màu mỡ và đầu tư chăn nuôi rất tiềm năng”, trích lời Chủ tịch BAF.
Một mảnh đất màu mỡ sẽ cần phương pháp đầu tư hiệu quả và phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh ngành chăn nuôi hiện đang gặp rủi ro từ dịch tả heo châu Phi (ASF). Theo ông Bá, hiện tại, mô hình chăn nuôi phù hợp với xu thế chung của thế giới là “chăn nuôi khép kín” 3F: Feed (thức ăn) – Farm (trại chăn nuôi) – Food (đầu ra phân phối thực phẩm), để tạo ra những sản phẩm được gọi là “sạch”.
“Chuỗi khép kín là xu hướng thế giới đã đi theo hàng trăm năm nay. Đây là mô hình chuẩn cho tương lai của chăn nuôi để, hướng tới thực phẩm sạch từ sản xuất đến bàn ăn”, ông Bá chia sẻ.
Chủ tịch BAF cho rằng một sản phẩm “thịt sạch” đều phải nằm trong chuỗi khép kín, bởi chỉ thiếu một khâu là rất khó đảm bảo. “Nhiều doanh nghiệp chỉ đầu tư giết mổ, trong khi con heo hơi mua trên thị trường về không biết nó ăn gì, được nuôi như thế nào, lịch sử tiêm thuốc, dư lượng kháng sinh; cũng không biết con heo ấy bệnh tật như nào, không có lịch sử truy xuất nguồn gốc… Vì thế chỉ làm khâu giết mổ thì chưa được gọi là thịt sạch. Để thực sự tạo ra thịt sạch, chất lượng thì bắt buộc doanh nghiệp phải làm khép kín chuỗi”, ông Bá nhận định.
Tuy nhiên muốn khép kín chuỗi, theo ông Bá, là rất khó. Chủ tịch BAF cho rằng trên thị trường hiện tại, đa phần các doanh nghiệp chỉ làm được Feed rồi Farm, sau đó chuyển sang bán heo hơi.
Trang trại chăn nuôi của BAF
|
“Rất ít doanh nghiệp làm đến chữ F cuối (Food) như BAF, bởi đây là câu chuyện khó khăn và nhiều thách thức. Thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay chủ yếu là 90% bà nội trợ đến chợ truyền thống để mua. Họ ít vào các siêu thị, cho rằng giá cao hơn. Đúng là cao hơn thật, bởi khi đã kiểm soát khép kín thì chi phí sẽ cao hơn những thương lái mua heo hơi trên thị trường rồi mổ thủ công. Chưa nói đến chuyện họ không kiểm soát được việc heo mắc bệnh, không được khỏe cũng đều ra chợ hết, làm cho giá chợ rẻ hơn siêu thị. Đây là thách thức cho bài toán làm Food”.
Vấn đề tiếp theo là các sản phẩm phụ sau giết mổ. Ông Bà chia sẻ, các phần “top sale” của con heo như ba chỉ, sườn non… được tiêu thụ rất nhanh, nhưng chỉ chiếm 20% – 40% của con heo. Các phụ phẩm như mông, vai, đầu đuôi… tỏ ra khó tiêu thụ hơn, lại chiếm đa số.
Tuy vậy, Chủ tịch BAF tin rằng những khó khăn trên có thể được cân đối trong chuỗi 3F. “Khi làm 3F được thì thị trường có lúc khó cái này lại có cái kia đỡ. Thức ăn chăn nuôi (Feed) mà khó quá thì mảng Farm tốt, mảng Farm hơi yếu thì Feed bù đắp. Khi khép kín được chuỗi, doanh nghiệp sẽ có tổng thể của ngành, không giống như khi chỉ có 1 F, nếu gặp khó khăn sẽ không kịp trở tay”.
Bên cạnh mô hình phù hợp, ông Bá cũng cho rằng các doanh nghiệp cần đáp ứng một xu thế tất yếu hiện nay là “nông nghiệp bền vững”, xét trên bối cảnh toàn cầu đang hướng đến trung hoà carbon (Net Zero). Ông thừa nhận, ngành chăn nuôi thực chất gây ảnh hưởng phát thải nhà kính rất lớn, đến từ phụ phẩm là phân heo khi các bể biogas tạo ra khí methane, làm trầm trọng hơn hiệu ứng nhà kính.
“BAF với sự tư vấn và những yêu cầu khắt khe của IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) đã tìm cách đều tư bài bản hơn, tuân thủ các vấn đề về môi trường và xử lý nước thải.
Đầu tiên, phân heo thay vì đẩy xuống bể biogas sẽ được chuyển đổi để sản xuất ra phân bón hữu cơ vi sinh, bón cho các cánh đồng gạo để giảm phát thải nhà kính.
Thứ 2 là hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Chi phí cho hệ thống này là rất lớn, nhưng phải đầu tư để phát triển bền vững trong tương lai. Đặc biệt, nếu xuất khẩu ra thế giới thì càng phải chuẩn chỉ”.
Mục tiêu 6 triệu heo thịt vào năm 2030, vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ
Ngoài các nhận định về triển vọng ngành chăn nuôi, Chủ tịch Trương Sỹ Bá cũng hé lộ về tình hình kinh doanh và kế hoạch tương lai của “heo ăn chay”.
“Riêng năm 2023, tổng heo thịt bán ra của BAF xấp xỉ 300 ngàn con, với 16 trang trại đã và đang xây dựng. Quý 4/2023, chúng tôi đưa thêm 2 trang trại vào vận hành. Quý 1/2024 sẽ đưa vào 4 cụm trang trại, đến năm 2024 là 16 cụm trang trại, và hướng tới đầu tư để đưa vào từ 10 – 15 trang trại nữa vào năm 2025”, ông Bá cho hay.
Quy mô trên cho phép BAF có kế hoạch mở rộng quy mô đàn tham vọng hơn. Ông Bá chia sẻ, đến cuối 2024, tổng heo thịt bán ra dự kiến sẽ xấp xỉ 800 ngàn con. Đến cuối 2025, tổng heo thịt bán ra sẽ đạt 1.2 – 1.4 triệu con; năm 2026 sẽ là 2 triệu con; và 2023 là 6 triệu con.
Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh của BAF đã có sự thay đổi. BCTC quý 3/2023 tiết lộ BAF sẽ giữ lại heo sữa để nuôi, bán thịt, thay vì bán trực tiếp heo cai sữa như trước kia. Tuy nhiên theo ông Bá, thực chất phương án này đã được thực hiện từ tháng 5, thông qua các dự án gia công liên kết với các hộ nông dân.
“Thực ra BAF xác định là nuôi hết, nhưng có những lúc trang trại chưa ổn định để khai thác. Trong khi đó, đàn nái ổn định chu kỳ sinh sản, không thể dừng được, dẫn đến phải bán heo cai sữa dư thừa. Tuy nhiên từ tháng 5/2023, chúng tôi liên kết với các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ, đưa lượng heo này đi nuôi tại trang trại được gọi là gia công”, Chủ tịch BAF cho biết.
Phương án này mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là phát triển được tổng đàn heo thịt bán ra trong 1 năm tăng nhanh hơn. Thứ 2 là không cần bán heo cai sữa ở thời điểm thị trường chưa thuận lợi – thậm chí là không bán được, nhờ vậy mà có sự chủ động trong kinh doanh. Thứ 3, quan trọng nhất, là có thêm doanh thu từ chính các trại gia công.
“Các nông hộ nhỏ lẻ, có trang trại không tự tin chăn nuôi vì sợ rủi ro, giờ họ gia công cho chúng tôi và nhận số tiền nhất định. BAF thì phát triển đàn nhanh hơn, lại bán được cám cho bà con, vì kỹ thuật chăn nuôi, con giống, thức ăn đều phải đồng bộ ở các trại liên kết. Vì vậy, lợi ích từ việc không bán heo cai sữa là có doanh thu từ cám. Các nhà máy cám của BAF hiện chưa tối đa công suất, nên việc có thêm nguồn thu từ các trại gia công sẽ tạo thêm điểm hòa vốn nhanh nhất”.
Thách thức lớn nhất cho kế hoạch của BAF là phải cần đến nguồn vốn lớn, kéo theo dư nợ tăng. Ông Bá thừa nhận điều này, khẳng định “khi nào không đầu tư nữa nợ mới giảm”.
“Mục tiêu 6 triệu con heo thịt bán ra vào năm 2030 thì mức đầu tư là rất lớn, bởi nó tương đương 80% quy mô Tập đoàn CP ở thời điểm hiện tại. Mức đầu tư vì thế là rất nhiều, không những là cho trang trại mà còn là con giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi và mảng Food. Mà tăng đầu tư thì đương nhiên dư nợ sẽ tăng”, Chủ tịch BAF cho biết.
Tuy nhiên theo ông Bá, không thể nhận định câu chuyện cho các năm tới mà chỉ nhìn vào hiệu quả đầu tư của năm 2023 – thời điểm BAF đang đầu tư mở rộng trong khi thị trường không đạt kỳ vọng.
“Giá heo hơi thời gian qua là thấp hơn dự kiến do tổng cầu nền kinh tế giảm. Tổng nhu cầu giảm, việc làm ít đi, thu nhập giảm kéo theo cơ cấu trong tiêu dùng đi xuống là yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá heo hơi thời gian qua”.
“Thêm nữa là quá trình đầu tư lớn, liên tục mở rộng. Một trang trại chăn nuôi từ lúc khởi động đến khi hoàn thành sẽ mất 1 năm; sau đó bắt đầu thả heo giống vào nuôi mất 5.5 tháng mới xuất bán có doanh thu. Có nghĩa là 1 trang trại từ khởi công đến lúc có doanh thu mất 1.5 năm. Và suốt thời gian đó, Doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí phát sinh, những thứ chưa mang lại doanh thu phải tiếp chuyển vào đàn heo hiện hữu”.
“Tuy nhiên, nếu điều này đem lại sự tăng quy mô đàn heo vào 2024 là 2.5 lần, đó sẽ là một câu chuyện khác”, ông tự tin khẳng định.
Chủ tịch BAF cho rằng 2023 là năm để đầu tư, và quả ngọt sẽ tới trong các năm kế tiếp
|
Để đạt được mục tiêu 2030, ông Bá cho rằng nguồn vốn cần thiết phải lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, ông nhận định áp lực nguồn vốn của BAF sẽ không quá lớn bởi sự hậu thuẫn của nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính, đặc biệt là sau khi được IFC thẩm định và rót vốn.
“Được IFC thẩm định và rót vốn đầu tư giống như mở ra một cánh cửa rất lớn để các định chế tài chính khác quan tâm. Hiện nay đang có nhiều ngân hàng, quỹ đang xếp hàng chờ dự án của chúng tôi để đầu tư. Thậm chí một số khoản đầu tư trước đây vay từ ngân hàng trong nước, BAF đã cấu trúc lại bằng các nguồn vốn rẻ hơn. Vậy nên, tiềm năng để BAF thực hiện chiến lược này hoàn toàn khả thi”.
“Hiện tại, nhiều công ty đã phải quay đầu, giảm kế hoạch, thu hẹp quy mô hoặc thay đổi hết vì sợ rủi ro từ ASF. Nhưng tôi nghĩ phải kiên định với mục tiêu. BAF hiện có thuận lợi là các nguồn vốn giá rẻ, dài hạn, đang cực kỳ tốt để đầu tư. Trong lúc ai cũng co, ai cũng sợ, mình phải khác họ, phải đầu tư mạnh hơn nữa”, Chủ tịch BAF nói thêm.