Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều ổ bệnh dịch tả heo châu Phi, với tổng số heo chết và tiêu hủy lên đến hàng tấn. Mặc dù hiện các ổ dịch đều đã qua 30 ngày nhưng công tác phòng chống và phòng ngừa luôn được ngành chức năng, cùng người chăn nuôi tích cực thực hiện.
Cán bộ thú y thành phố Vị Thanh tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng tại nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn nhằm phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi cho người dân
Tiêu hủy hàng trăm con heo mắc bệnh
Theo báo cáo của ngành thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 4 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, với tổng số heo chết và tiêu hủy đến ngày 18-7 vừa qua là 211 con, trọng lượng 5.522kg. Trong đó, có một ổ bệnh dịch tả heo châu Phi được ghi nhận ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A xảy ra tại một hộ dân, số heo chết và tiêu hủy là 66 con, trọng lượng 2.554kg; còn lại 3 ổ dịch đều trên địa bàn thành phố Vị Thanh, xảy ra tại 17 hộ chăn nuôi ở xã Vị Tân, xã Hỏa Lựu và phường III, với tổng số heo mắc bệnh và chết là 145 con heo, tổng trọng lượng là 2.968kg.
Ông Lê Trường Hận, Trưởng trạm Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản thành phố Vị Thanh, cho biết: Ổ dịch đầu tiên xuất hiện là vào ngày 3-7, tại 10 hộ ở xã Hỏa Lựu; đến ngày 8-7 xảy ra tại 6 hộ ở xã Vị Tân và ngày 18-7 xảy ra tại một hộ ở phường III. Khi phát hiện các ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, cán bộ chuyên môn của ngành đã phối hợp cùng người dân thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm; đồng thời tổ chức giám sát tiêu độc, khử trùng tại cơ sở giết mổ đến nay được 120.360m2, hóa chất sử dụng trên 150 lít và hơn 90kg vôi bột sát khuẩn. Tính đến ngày tiêu hủy ổ dịch cuối cùng tại phường III thì đến nay, đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Theo đánh giá và nhận định của ngành thì đến thời điểm hiện tại, bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn thành phố tạm thời đã được kiểm soát và chưa có chiều hướng lây lan ra diện rộng.
Theo đánh giá của ngành thú y thành phố Vị Thanh, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn thành phố là việc người dân mua heo giống trôi nổi không rõ nguồn gốc đem về nuôi và lây lan cho đàn heo của gia đình; trong đó điển hình là trường hợp của hộ dân tại phường III.
Ông Trần Thanh Kiệm, cán bộ Trạm Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản thành phố Vị Thanh (người phụ trách địa bàn tại phường III), thông tin: Vừa qua, hộ Trần Thị Ngọc Lam, ở phường III có 20 con heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, trong đó có 8 con heo hộ dân tự tiêu hủy, còn lại 12 con do ngành thú y thành phố thực hiện tiêu hủy theo quy định. Đáng chú ý là, trong tổng số heo mắc bệnh thì có 12 con hộ dân này mua từ người bán dạo, không rõ nguồn gốc, sau đó đem về nuôi chung với 8 con heo tại gia đình thì không lâu sau cả đàn heo đều mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Ngoài tiêu hủy heo mắc bệnh thì trong tuần đầu, ngành thú y thành phố tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng liên tiếp 7 ngày, sang 2 tuần kế tiếp thì mỗi tuần thực hiện 3 ngày; đồng thời gắn với việc thường xuyên giám sát chặt chẽ người dân trong việc vệ sinh chuồng nuôi.
Tích cực công tác phòng dịch
Mặc dù hiện nay, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi tại hai địa phương của tỉnh có xuất hiện ổ dịch là thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A đã tạm thời được kiểm soát; tuy nhiên, ngành thú y hai địa phương trên khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là mà tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Ông Trần Vũ Phong, một hộ chăn nuôi heo tại phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Để phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi nói riêng và các loại bệnh khác trên heo thì qua kinh nghiệm 20 năm trong nghề, tôi đã đúc kết và đang áp dụng rất hiệu quả, nhất là trong giai đoạn hiện nay là thường xuyên phủ mùng kín cho chuồng nuôi. Việc làm này nhằm mục đích ngăn chặn ruồi, muỗi là tác nhân đem mầm bệnh lây lan cho đàn heo của mình. Ngoài ra, vào những ngày trời nắng nóng, tôi thường tắm từ 2-3 cử để làm mát cho đàn heo, từ đó heo ít quấy phá và ít sinh ra bệnh. Bên cạnh đó, sau khi xuất chuồng bán heo xong thì phải vệ sinh chuồng nuôi cho thật kỹ, đồng thời kết hợp với phun thuốc tiêu độc khử trùng thường xuyên nhằm chủ động phòng ngừa và tiêu diệt các mầm bệnh xung quanh chuồng nuôi”.
Qua rà soát của ngành thú y thành phố Vị Thanh thì hiện toàn thành phố có hơn 400 hộ chăn nuôi heo, trong đó chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn heo hiện có khoảng 3.600 con. Để giúp người nuôi heo đạt hiệu quả, hạn chế mắc các loại dịch bệnh trên heo, trong đó có bệnh dịch tả heo châu Phi thì thời gian qua, ngành thú y thành phố thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cũng như thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng và chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh cho đàn heo.
Ông Lê Trường Hận, Trưởng trạm Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản thành phố Vị Thanh, cho biết: Tới đây, đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương của thành phố triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác khuyến cáo người nuôi cần tránh việc mua heo giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các loại dịch bệnh, từ đó gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Bên cạnh đó, cán bộ ngành thú y của thành phố thường xuyên bám sát địa bàn để hướng dẫn các điều kiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện tái đàn của bà con sau dịch bệnh phải đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra.
Nguồn: Không chủ quan với bệnh dịch tả heo châu Phi (baohaugiang.com.vn)