Bão Yagi khiến ngành chăn nuôi một lần nữa điêu đứng
Ngành chăn nuôi heo của Việt Nam đã gặp phải một giai đoạn đầy thử thách kể từ năm 2019 khi dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát trên quy mô lớn. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà ngành này từng đối diện, với những tác động sâu rộng tới năng lực sản xuất và khả năng cung ứng thực phẩm.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, sản lượng thịt heo hơi xuất bán dự kiến sẽ đạt khoảng 37.211 tấn vào năm 2024, tương đương mức giảm gần 9% so với năm trước, trong khi số liệu năm 2016 là 54.137 tấn. Điều này không chỉ gây tổn thất lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường thực phẩm trong nước, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá thịt heo gia tăng chóng mặt.
Biểu đồ ước tính sản lượng thịt heo hơi xuất bán ra 2016-2024 – Nguồn: AgroMonitor.
Dịch tả heo châu Phi không chỉ khiến sản lượng heo suy giảm, mà còn kéo theo sự sụt giảm sản lượng thức ăn chăn nuôi, ước tính giảm tới 20%. Ngành thức ăn chăn nuôi cũng bị kéo lùi về gần mức thấp của năm 2020, tức là thời điểm dịch tả vừa bùng phát, gây thêm gánh nặng cho các hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất.
Biểu đồ ước tính sản lượng thức ăn cho heo – Nguồn: AgroMonitor.
Không chỉ dừng lại ở dịch bệnh, ngành chăn nuôi heo còn phải đối mặt với thiên tai. Bão Yagi cùng với những đợt mưa lũ diễn ra vào tháng 9/2024 đã khiến ngành chăn nuôi gần như “điêu đứng” một lần nữa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 16/9, có tới 26.500 con gia súc và hơn 2,9 triệu con gia cầm đã bị chết, và khoảng 100.000 đến 150.000 con heo phải bán chạy do lũ lụt. Các thiệt hại này không chỉ làm giảm số lượng đàn heo mà còn làm suy yếu khả năng cung ứng của ngành, tạo thêm áp lực lên việc đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Kỹ thuật của BAF, hiện tại có rất nhiều số liệu chưa thể thống kê chính xác, cùng với những tác động và hệ lụy từ bão Yagi và lũ lụt vẫn chưa thể hiện rõ. Ông cho rằng việc tái đàn ngay lập tức là điều không thể vì các trang trại đã bị phá hủy và cần được tái xây dựng từ đầu. Cùng với đó là vấn đề mua sắm trang thiết bị mới để thay thế các hệ thống chuồng trại, điện và công nghệ bị hư hỏng hoàn toàn, dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao và thời gian phục hồi kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Kỹ thuật của BAF Việt Nam. Ông từng có kinh nghiệm làm việc tại Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) trong mảng chăn nuôi.
Sau lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng rất lớn, trong đó dịch tả heo châu Phi là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất có thể lây lan mạnh qua nguồn nước ô nhiễm. Ông Minh nhận định rằng trong thời gian ngắn tới, giá lợn chưa có khả năng tăng mạnh vì các trang trại vẫn phải bán chạy để hạn chế thiệt hại từ dịch bệnh, nhưng từ đầu tháng 12 trở đi, giá lợn sẽ có xu hướng tăng rất cao do sự thiếu hụt nguồn cung.
Ảnh hưởng từ yếu tố quốc tế: Thử thách và cơ hội
Ngoài các khó khăn nội tại, ngành chăn nuôi heo của Việt Nam còn chịu tác động từ các yếu tố quốc tế. Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và EU cũng đang tác động đáng kể đến ngành chăn nuôi heo Việt Nam.
Gần đây, sau khi EU áp thuế chống trợ cấp lên tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc, Trung Quốc đã đáp trả bằng việc mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU, nhắm chủ yếu vào các nước như Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại mà còn mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ Nam Mỹ, Nga và Mỹ gia tăng thị phần ở Trung Quốc.
Với việc Trung Quốc giảm nhập khẩu từ EU, các thị trường khác sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn, và Việt Nam có thể trở thành một trong những nước được hưởng lợi nếu có thể nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng được yêu cầu chất lượng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một thách thức lớn khác đến từ sự tăng giá của cước vận chuyển quốc tế. Các cuộc xung đột vũ trang tại khu vực Trung Đông đã buộc nhiều tàu phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, gia tăng thời gian và chi phí vận chuyển. Giá cước vận chuyển từ các quốc gia khác đến Trung Quốc đã tăng đáng kể, với thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm 10-15 ngày do tắc nghẽn tại các cảng châu Á. Tình trạng này khiến chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi, từ nguyên liệu thức ăn đến các vật tư chăn nuôi, trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và lợi nhuận.
Biểu đồ diễn biến giá cưới vận chuyển hàng tàu từ một số quốc gia đi Trung Quốc – Nguồn: AgroMonitor.
Bên cạnh những khó khăn đó, ngành chăn nuôi heo cũng có một số tín hiệu tích cực, đặc biệt là sự giảm giá của các nguyên liệu chính dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giá ngô, lúa mì và khô đậu tương đã giảm lần lượt 23%, 10%, và 20% trên sàn giao dịch CBOT (Chicago Board of Trade). Việc giảm giá này tạo ra một cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi, giúp giảm bớt áp lực về chi phí và cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà sản xuất.
Biều đồ giá nguyên liệu CBOT – Nguồn: AgroMonitor.
Theo BAF, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cho heo và gà cũng cho thấy xu hướng giảm, với giá thức ăn cho heo giảm 6,2% và giá thức ăn cho gà giảm 3,3% trong 8 tháng đầu năm 2024. Điều này là kết quả trực tiếp của sự giảm giá nguyên liệu, giúp ổn định thị trường trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Biểu đồ diễn biến giá thức ăn thành phẩm cho heo – Nguồn: AgroMonitor.
Dù phải đối mặt với những khó khăn kể trên, ngành chăn nuôi heo vẫn đang có những bước phục hồi đáng kể. Ông Nguyễn Văn Minh (BAF Việt Nam) ước tính sản lượng thịt heo hơi xuất bán ra sẽ phục hồi từ 37.211 tấn năm 2024 lên 40.232 tấn vào năm 2025, cho thấy tín hiệu tích cực về khả năng tăng trưởng trở lại của ngành. Các trang trại chăn nuôi đã đẩy mạnh sản xuất và tập trung cải thiện chất lượng giống, với mục tiêu phục hồi đàn giống đến năm 2025.
Biểu đồ ước tính sản lượng thịt heo hơi xuất bán ra 2023-2025 – Nguồn: AgroMonitor.
Sự phục hồi và chuyển mình: Cơ hội từ công nghệ cao
Bất chấp những khó khăn, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ cao. Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này là BAF Việt Nam, đã hợp tác với Tập đoàn Muyuan của Trung Quốc để đưa công nghệ chăn nuôi hiện đại vào Việt Nam.
Trong thời gian tới, BAF sẽ đưa vào hệ thống siêu cụm trang trại ở Hải Hà, Móng Cái, Quảng Ninh vào hoạt động nâng tổng số cụm trại lên 36 trang trại. Đây là một trong những siêu trang trại lớn của BAF với quy mô 60ha, tổng mức đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, đồng thời cũng là trang trại đầu tiên áp dụng công nghệ chuyển giao của Muyuan.
Toàn cảnh siêu cụm trang trại ở Hải Hà, Móng Cái, Quảng Ninh – Nguồn: BAF Việt Nam.
Hệ thống trang trại nhiều tầng được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT (Internet of Things) để quản lý và kiểm soát tiểu khí hậu, giúp duy trì môi trường sống lý tưởng cho đàn heo. Công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm diện tích đất mà còn tăng năng suất chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh. Với sự hỗ trợ của hệ thống điều khiển tiểu khí hậu, đàn heo có thể duy trì sức khỏe tốt hơn, khả năng sinh sản cao hơn và giảm thiểu lượng thức ăn tiêu thụ. BAF đặt mục tiêu phát triển đàn heo thương phẩm lên đến 10 triệu con vào năm 2030, với các trang trại trải khắp ba miền đất nước.
Ngành chăn nuôi heo Việt Nam đang trên con đường khôi phục mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và thiên tai. Các biện pháp ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giúp ngành tiếp cận với xu hướng chăn nuôi hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Khôi phục ngành chăn nuôi heo Việt Nam: Những bước đi hậu dịch tả và bão lũ (kinhtechungkhoan.vn)