Ngày 4-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân L.Đ.T. (sinh năm 1983, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa lên bệnh viện trong tình trạng rất nặng do nhiễm liên cầu lợn.
Dù nam bệnh nhân này đã được các bác sĩ cấp cứu, điều trị tích cực nhưng vẫn không thể qua khỏi. Qua điều tra dịch tễ, trước khi nhập viện, ngày 19-7, anh L.Đ.T. mua lòng heo (lợn) và tiết canh sống ở chợ về tự đánh tiết canh, một mình ăn 2 chén. Sau đó khoảng 1 tuần, anh L.Đ.T. lên cơn sốt, đau đầu, ù tai, chân trái sưng bầm tím… nên được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, rồi chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), gần đây, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp mắc liên cầu lợn. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng, tiên lượng xấu. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ chân. Ngoài ăn tiết canh, nhiều bệnh nhân còn mắc liên cầu lợn trong quá trình chế biến, giết mổ heo.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 tới nay ghi nhận 6 trường hợp mắc liên cầu lợn. Để phòng tránh bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt heo, tuyệt đối không ăn thịt heo ốm, chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh; sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt heo sống.
Nguồn: Cảnh giác với bệnh liên cầu lợn | BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG (sggp.org.vn)