BaF Việt Nam với chiến lược trở thành “ông lớn” ngành chăn nuôi

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam đã đặt chiến lược trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Trại chăn nuôi của Công ty BAF Việt Nam tại Bình Phước

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (sau đây gọi tắt là BaF) thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Xây dựng thương hiệu với tên gọi BaF (Feed – Farm – Food) chính là thể hiện chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ SX thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến.

Cuối tháng 11/2019 vừa qua, BaF đã nhập khẩu thành công lô lợn cụ kỵ chất lượng cao từ Canada của Tập đoàn Genesus với số lượng trên 1.200 con. Đây là bước đi khởi đầu của BaF trong kế hoạch đầu tư 3 trại lợn cụ kỵ nhập khẩu chất lượng cao, với công suất mỗi trại là 1.200 con, đáp ứng gần 13.000 con nái và hơn 220.000 lợn thịt vào năm 2020.

Theo kế hoạch đến năm 2024, tổng đàn nái của công ty sẽ nâng lên ở mức khoảng 45.300 con, đáp ứng nhu cầu con giống để nuôi lợn thịt với quy mô trên 1,1 triệu con. Trước mắt, lô lợn cụ kỵ hơn 1.200 vừa được nhập khẩu về sẽ đáp ứng cơ bản cho nhu cầu con giống của công ty trong giai đoạn từ nay đến năm 2021.

Dù đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn chưa lâu, tuy nhiên thời gian qua, BaF đã đầu tư bài bản hệ thống trang trại chăn nuôi trên phạm vi cả nước, với tổng đàn thực tế hiện tại gồm 2.400 heo nái ông bà và heo nái cụ kỵ, trên 7.000 heo nái bố mẹ, tương đương 225.000 heo nái hậu bị và heo thịt thương phẩm.

Trại chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh

Các trang trại của BaF hiện đã có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước như trang trại 1.200 nái cụ kỵ tại Hòa Bình; trang trại 2.400 nái hậu bị tại Bà Rịa – Vũng Tàu; trang trại 2.400 nái hậu bị tại Bình Thuận; trang trại 2.200 nái hậu bị tại Bình Dương, 1.200 nái ông bà tại Bình Phước… Ngoài ra, còn có hệ thống trang trại lợn thịt tại nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước…

Theo kế hoạch trong năm 2020, BaF sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, mở thêm 2 trại lợn nái khoảng 6.000 con và 140.000 con heo thịt thương phẩm tại các tỉnh Thanh Hóa và Quảng Ninh.

Trong 5 năm tới, BaF sẽ thành lập thêm từ 35 – 40 trang trại quy mô lớn để tối ưu hóa công suất đầu ra của sản phẩm. Đến năm 2025 tại Việt Nam, BaF sẽ đạt quy mô chăn nuôi trên 45.000 heo nái hậu bị và trên 1 triệu heo thịt thương phẩm.

Nhằm tối ưu hóa chuỗi chăn nuôi khép kín, từ khi bắt tay vào hoạt động chăn nuôi, BaF đã sớm đặt nền móng bằng việc đầu tư một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Bà Rịa – Vũng Tàu với công nghệ hiện đại, vận hành tự động 100%.

Nguồn nguyên liệu được công ty nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, thức ăn sản xuất được trực tiếp cung cấp cho toàn hệ thống trang trại chăn nuôi của BaF trên phạm vi cả nước. Đây là điều kiện cơ bản nhằm hạ giá thành chăn nuôi, đảm bảo nguồn thức ăn được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng…

Bên cạnh việc đầu tư hệ thống trang trại hiện đại, BaF đang khởi động cho chiến lược trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Theo đó, dự án nhà máy giết mổ công suất 500 con/giờ, vận hành tự động và khép kín với công nghệ Đan Mạch của BaF sẽ được áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng HACCP và GMP, đảm bảo quy trình an toàn – vệ sinh để cung cấp cho thị trường Việt Nam, về cả thực phẩm giết mổ tươi lẫn các thực phẩm chế biến.

Hiện nay, BaF đã và đang hợp tác chiến lược, nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi tại châu Âu như Skiold, Munters, Tornordic, Danbred, Vilomix, Haarslev… nhằm có những bước đi vững chắc trong tương lai.

Theo nongnghiep.vn

Xem chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/baf-viet-nam-voi-chien-luoc-tro-thanh-ong-lon-nganh-chan-nuoi-d254325.html