Đây là lời ví von của ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF), khi nhắc đến Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Thống kê cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã đóng góp khoảng một nửa GDP quốc gia, hơn 30% tổng thu Ngân sách Nhà nước và tạo ra việc làm cho khoảng 82% lực lượng lao động. Trong đó, một phần không nhỏ từ ngành chăn nuôi – lĩnh vực có giá trị chiếm 26% GDP Việt Nam vào năm 2024, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Trong bối cảnh Nghị quyết 68 mang đến hy vọng đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới, ngành chăn nuôi cũng đứng trước bước chuyển mình. Trong một buổi chiều mưa tháng 6, người viết có cơ hội được trò chuyện cùng ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT của BAF, để thấy các doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào về cái gọi là “cuộc cách mạng quan trọng nhất sau Đổi Mới” mà Nghị quyết 68 mang lại.
Nghị quyết 68 là một món quà cho khối doanh nghiệp tư nhân
“Môi trường kinh doanh giống môi trường sống của con người, như muôn loài cỏ cây. Dù hạt giống tốt đến mấy mà gieo trồng trên mảnh đất khô cằn, môi trường khắc nghiệt, ắt sẽ khó phát triển” – ông Trương Sỹ Bá ví von khi mở đầu cuộc trò chuyện.
Theo Chủ tịch BAF, Nghị quyết 68 đã tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi, phá vỡ tất cả mọi rào cản trong phát triển KTTN, và ông đón nhận chủ trương này một cách hết sức tích cực.
“Xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư Tô Lâm vì đã có hành động rất quyết liệt, thấu hiểu nền KTTN; đặc biệt là Nghị quyết 68 mang đến cho doanh nghiệp môi trường kinh doanh thông thoáng, tháo bỏ rào cản. Đây là món quà to lớn dành cho khối doanh nghiệp tư nhân”. – Trích lời ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HDQT CTCP Nông Nghiệp BAF Việt Nam
Riêng đối với ngành chăn nuôi, mảng đóng góp tới 26% GDP cho cả nước trong năm 2024, ông Bá cho rằng, thực tế mức đóng góp của ngành đã được duy trì tương đối cao trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chủ yếu là từ doanh nghiệp nước ngoài (FDI), còn trong nước thì khiêm tốn hơn. Do vậy, với việc Nghị quyết 68 tạo ra không gian phát triển cho doanh nghiệp, ông cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Việt từ đây sẽ nâng cao vị thế, tăng mức đóng góp trong cơ cấu GDP cả nước.
Là một trong số những doanh nghiệp top đầu về chăn nuôi heo niêm yết trên sàn chứng khoán, BAF cũng đặt ra những mục tiêu lớn; nổi bật nhất là kế hoạch đạt 10 triệu heo thương phẩm vào năm 2030, dẫn đầu ngành chăn nuôi heo Việt Nam.
“Đây thực sự là mục tiêu lớn. Để đạt được thì cần phải thay đổi đáng kể trong môi trường kinh doanh, và Nghị quyết 68 đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề chúng tôi mong muốn. Ví dụ như trước kia, phải mất 3 năm chúng tôi mới có thể xây dựng một trang trại mới. Nhưng với Nghị quyết 68, các trang trại sẽ rút ngắn thời gian còn khoảng 1 năm, giúp cải thiện tốc độ mở rộng, phát triển đàn heo”.
Sự chuẩn bị cho kỷ nguyên mới
Trước khi Nghị quyết 68 được công bố (ngày 4/5/2025), BAF nằm trong số các doanh nghiệp rất tích cực phát triển, mở rộng quy mô. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Doanh nghiệp công bố M&A hơn 13 công ty có quỹ đất, đồng thời tiến hành thủ tục pháp lý để xây dựng trang trại. Các trại này dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2025-2026 với công suất gần 63,000 nái và 500,000 heo thịt.
Tuy nhiên, ông Sỹ Bá cho rằng, Nghị quyết 68 ra đời đã thay đổi nhiều rào cản về pháp lý, dự án, thủ tục cấp phép. Do đó, BAF sẽ phải tận dụng, nỗ lực để đổi mới công nghệ và đón đầu kỷ nguyên mới. Một trong số những sự chuẩn bị là việc hợp tác với Tập đoàn Muyuan của Trung Quốc – một trong những tập đoàn chăn nuôi heo hàng đầu thế giới.
“BAF hợp tác với các tập đoàn lớn như Muyuan để đưa công nghệ chăn nuôi, AI để quản lý đàn heo. Đây là nước đi quan trọng để đổi mới sáng tạo, nâng tầm công nghệ sản xuất, chăn nuôi heo cũng như bảo vệ môi trường” – Chủ tịch BAF chia sẻ.
Ông Bá tiết lộ, một trong số các công nghệ nổi bật là công nghệ lọc khí đầu vào 4 tầng, với tầng 4 là lọc tinh, có thể lọc được cả virus. Bên cạnh đó là mùi hôi của heo cũng được thu gom để khử mùi, để khi thu gom để thải ra môi trường không còn mùi.
“Đây thực tế là vấn đề nan giải tại Việt Nam trước nay, khi các hộ chăn nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra là cải thiện, hiện đại hóa công nghệ xử lý nước thải, áp dụng công nghệ đã thành công từ Muyuan. Chúng tôi xây dựng các trang trại bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến cư dân, đạt chuẩn nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp & Môi trường”.
Các công nghệ này cũng sẽ được áp dụng cho các dự án trại tầng theo kế hoạch của BAF trong thời gian tới. “Thậm chí là nhiều công nghệ hiện đại hơn, đã thành công từ Trung Quốc để kiểm soát Dịch tả heo châu Phi (ASF), với các ứng dụng về AI để khám bệnh, gửi đến bộ phận thú y…” – ông nói thêm.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết 68 là các ưu đãi cho doanh nghiệp về chính sách thuế, đất đai. Ông Bá cho rằng, các chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp hưởng lợi, nhưng là sự hưởng lợi công bằng.
“Các trang trại M&A gần đây thực chất là mua đất và đều là các dự án trước Nghị quyết 68 nên hiện cũng chưa có lợi thế gì. Tuy nhiên, tôi nghĩ Nghị quyết 68 và các chính sách nếu đưa ra thì sẽ công bằng cho tất cả. Ngành hưởng lợi chung thì chúng tôi cũng được hưởng lợi”.
Mạnh dạn mơ lớn trở thành “cánh chim đầu đàn” trong kỷ nguyên mới
Nghị quyết 68 đã nêu ra mục tiêu cụ thể vào năm 2030, khi đất nước phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp lớn đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhận định về mục tiêu này, Chủ tịch BAF cho là hoàn toàn khả thi và Doanh nghiệp cũng có mơ ước trở thành một trong số những cánh chim đầu đàn của nền kinh tế.
“BAF chắc chắn có mơ ước thành một doanh nghiệp đầu ngành. Trước năm 2030, chúng tôi định vị quy mô với 10 triệu heo thương phẩm, khép kín dần chuỗi chăn nuôi. Sau 2030, BAF có thể khép kín khoảng 50% đàn (tức 5 triệu con giết mổ và chế biến sâu). Khi đó, Doanh nghiệp sẽ định vị là tập đoàn thực phẩm, hướng đến sản phẩm chế biến, có thể xuất khẩu ra thế giới, nên cũng hy vọng sẽ trở thành một trong số các doanh nghiệp lớn, đáp ứng kỳ vọng của Nhà nước và Tổng Bí thư”.
Sự tự tin của Chủ tịch BAF đến từ chính mục tiêu Doanh nghiệp đã theo đuổi ngay từ những ngày đầu, đó là chăn nuôi bền vững.
“Trước thời gian ASF hoành hành, rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi để vấn đề môi trường tồi tệ cho người dân xung quanh, như: xả thải không được đầu tư bài bản, chưa xử lý đã xả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước của người dân; hay mùi hôi của các chuồng chăn nuôi bay khắp vùng làm người dân chịu ảnh hưởng nặng nề.
BAF xác định đầu tư bài bản từ đầu, muốn bền vững thì phải đầu tư bài bản từ nước thải đến chuẩn hóa việc xử lý mùi hôi. Các bạn có thể đứng cách 10m cũng không ngửi thấy mùi gì cả. Nước thải cũng được đầu tư xử lý, có thể chiếm 10% tổng mức đầu tư. Với 1 trại 5,000 nái, 60,000 thịt, mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng thì tiền đầu tư xử lý nước thải trong đó là gần 50 tỷ đồng. Nhiều nơi khác chỉ xử lý tạm bợ, nước thải ra còn rất bẩn”.
Cũng theo ông Bá, BAF hiện đang nằm trong số các đơn vị được đánh giá rất cao về xử lý môi trường. “Chúng tôi xác định có trách nhiệm với môi trường, người dân xung quanh, nên phải đầu tư bền vững để bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như nguồn nước của địa phương”.
Bên cạnh đó, một giá trị không kém phần quan trọng mà BAF theo đuổi là yếu tố con người. Khi được hỏi về scandal “heo bẩn” của một doanh nghiệp chăn nuôi top đầu thời gian gần đây, Chủ tịch BAF tin rằng đây là sự việc đáng tiếc, nhưng nhiều khả năng chỉ là 1 vài cửa hàng, khu vực chưa được kiểm soát tốt, không phải chủ trương của cả tập đoàn. Do đó, yếu tố con người cần được kiểm soát chặt chẽ.
Tôi cho rằng, để kiểm soát tốt hơn, cần phải giải quyết vấn đề về con người. Cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp để làm sao đội ngũ của mình vận hành và hoạt động có tâm. BAF xây dựng văn hóa theo giá trị ‘Tâm – Trí – Tốc’, luôn đề cao chữ tâm trong cán bộ nhân viên. Ngoài ra, chúng tôi có hệ thống kiểm soát chặt chẽ để không cho nhân viên “không đủ tâm” lọt vào hệ thống.
Yếu tố con người thực sự quan trọng. Quy trình dù có đầy đủ, chặt chẽ cỡ nào cũng không lại được ý thức của người lao động. Vậy nên cần giáo dục người lao động, phải thấm nhuần văn hóa, giá trị công ty; sau đó đưa quy trình, quy chế, mọi mặt để không xảy ra các câu chuyện như vậy”.
Bài viết: Châu An
Thiết kế: Tuấn Trần FILI
10:00 27/06/2025