Thông cáo báo chí – Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã CK: BAF) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Ngày 26/04/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Cổ phần BAF Việt Nam (Mã CK: BAF) đã được tổ chức với sự tham dự đầy đủ của Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc Công ty, các đối tác từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), các Quỹ và tổ chức Tài chính khác, đông đảo cổ đông cùng với các cơ quan truyền thông đưa tin.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của BAF đã thông qua Báo cáo của Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, kế hoạch năm 2024 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty CPNN BAF Việt Nam diễn ra vào ngày 26/4/2024 tại TP.HCM

Theo đánh giá, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn khi trong bối cảnh vĩ mô, hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng không đạt như kỳ vọng. Đối với riêng ngành chăn nuôi tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, giá thành nguyên vật liệu leo thang trong khi giá heo hơi đầu ra liên tục sụt giảm trong thời gian dài, giá lợn hơi xuất chuồng cơ bản vẫn thấp hơn năm 2022.

Trước hoàn cảnh nhiều biến động đó, BAF vẫn đạt được một số kết quả khả quan trong năm vừa qua, cụ thể:

  • Đưa vào hoạt động nhà máy cám Nghệ An với công suất 200.000 tấn/năm, cùng với Nhà máy cám Tây Ninh nâng tổng công suất 02 nhà máy cám của công ty lên tối đa 450.000 tấn/năm.
  • Đưa vào vận hành 4 trang trại tự xây dựng công nghệ cao như Đông An Khánh, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Trang trại xanh 2 với tổng công suất 10.000 heo nái, 60.000 heo thịt. Qua đó nâng tổng đàn lên hơn 320.000 con vào cuối năm, tăng 86% so với năm 2022.
  • Có 9 trang trại đạt chứng nhận Global G.A.P IFA phiên bản 5.2. Điều này đã thể hiện quyết tâm tuân thủ nghiêm ngặt về phát triển nông nghiệp bền vững theo chuẩn mực quốc tế. Các tiêu chuẩn này sẽ luôn được duy trì và áp dụng đồng bộ cho tất cả các trang trại khác trong hệ thống của BAF.
  • Đưa vào vận hành Nhà máy giết mổ và chế biến sâu tại Long Hậu (Long An) với công suất tối đa 15 tấn/ngày, 4.500 tấn/năm.
  • Thương hiệu thịt sạch “BAF Meat – Heo ăn chay” ngày càng được biết đến rộng rãi hơn khi hệ thống phân phối được mở rộng, từ các kênh tự chủ bán sỉ đến chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch SibaFood, mô hình điểm bán thịt sạch BAF Meat Shop và các hệ thống siêu thị khác.

BAF Việt Nam còn là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi tiêu biểu trong việc đón đầu dòng vốn xanh khi nhận được sự đồng hành của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) – một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), nhóm 3 định chế tài chính lớn đến từ Hàn Quốc và Đài Loan gồm Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, Ngân hàng Daegu và Ngân hàng First Commercial Bank. Điều này đã chứng minh sự tin tưởng của các tổ chức tài chính lớn vào nền tảng kinh doanh ổn định và hồ sơ tín dụng uy tín của công ty, mở ra cánh cửa rộng mở cho BAF trong việc thu hút dòng vốn quốc tế dài hạn, bổ sung nguồn vốn phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2024, BAF tiếp tục tập trung đầu tư các nguồn lực để phát triển chăn nuôi công nghệ cao theo định hướng chuỗi khép kín Feed – Farm – Food với các hoạt động chiến lược như: Duy trì việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các quy định, chuẩn mực cao nhất của quốc tế tại các Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; phát triển trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, mô hình hiện đại và công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực ngành công nghiệp chế biến để tạo nên yếu tố cạnh tranh trọng yếu trong tương lai trong mảng Food.

Duy trì tiêu chuẩn về an toàn sinh học, nâng cao phúc lợi động vật, tiêu chuẩn xử lý nước và chất thải nhằm giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn không rác thải bằng cách tái sử dụng nước thải trong hệ thống chăn nuôi, tận dụng phân thải từ chăn nuôi làm phân bón vi sinh cho trồng trọt…

Đặc biệt, đầu năm 2024, BAF chính thức khởi động dự án Chuyển đổi số Quản trị Tổng thể Doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây SAP S/4HANA Cloud. Đây là dự án chuyển đổi số có quy mô lớn trong ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng tại Việt Nam giúp BAF nâng tầm năng lực quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo dữ liệu minh bạch, chính xác, kịp thời.

BAF đặt mục tiêu đạt 75.000 heo nái, 800.000 heo thương phẩm vào cuối năm 2024, gấp đôi so với năm 2023; đưa vào hoạt động 7 trang trại mới và dự kiến khởi công 6 trang trại, 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Công ty công bố Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới

Tại Đại hội, BAF cũng công bố Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2024 – 2029 của công ty, bao gồm:

– Ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT

– Bà Bùi Hương Giang – Thành viên HĐQT

– Ông Nguyễn Thanh Tân – Thành viên HĐQT

– Ông Prasad Gopalan – Thành viên HĐQT độc lập

– Ông Lê Xuân Thọ – Thành viên HĐQT không điều hành

Trong đó có 2 Thành viên HĐQT mới. Người đầu tiên là Ông Prasad Gopalan – Nguyên Giám đốc toàn cầu Mảng Nông nghiệp & Lâm nghiệp Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), có hơn 14 năm đảm nhận vị trí cấp cao như Giám đốc đầu tư, quản lý khu vực châu Á và Giám đốc toàn cầu trong lĩnh vực Nông nghiệp tại IFC. Người tiếp theo là Ông Nguyễn Thanh Tân, trình độ Thạc sĩ; có hơn 20 năm kinh nghiệm về vận hành và tư vấn doanh nghiệp phát triển hệ thống quản lý, nhân sự, marketing, thương hiệu…