Ngày 28/12/2021, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF Việt Nam, Công ty) đã tổ chức thành công Lễ Khởi công xây dựng 02 dự án trang trại chăn nuôi heo nái và heo thịt thương phẩm tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Cụ thể, dự án trang trại chăn nuôi heo thịt Bắc An Khánh được xây dựng tại địa chỉ ấp 4, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với diện tích 16,6 hecta và quy mô chăn nuôi 30.000 heo thịt. Dự án trang trại chăn nuôi heo nái Nam An Khánh được xây dựng tại địa chỉ ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với diện tích 18,5 hecta và quy mô chăn nuôi 5.000 heo nái.
Mục tiêu phát triển trang trại chăn nuôi đến năm 2023
Tính đến thời điểm hiện tại, BAF đang sở hữu hệ thống 15 trại nuôi heo Nái và heo Thịt trải dài trên khắp cả nước như: trang trại 1.200 nái Hạt nhân Cụ kỵ tại Bình Phước; trang trại 2.400 nái Bố mẹ tại Bà Rịa – Vũng Tàu; trang trại 2.400 nái Bố mẹ tại Bình Thuận; trang trại 2.400 nái Bố mẹ tại Thanh Hóa, 1.200 nái Ông bà tại Hòa Bình, 2.400 nái Ông bà tại Tây Ninh và 5.000 nái Ông bà tại Phú Yên – sẽ đầy công suất chuồng Q1/2022 và các trang trại heo thịt khác tại Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Bình Dương, Nghệ An, Đăklăk, Kontum…
Riêng trong năm 2022, BAF Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động 5 trại chăn nuôi, bao gồm 2 trại nái với công suất 5.000 nái/trại và 3 trại thịt thương phẩm với công suất 30.000 heo thịt/trại.
Nỗ lực cho tầm nhìn trở thành 1 trong 5 doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu cả nước, BAF Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thiện và đưa vào hoạt động từ 35 – 40 trang trại trên toàn quốc đến năm 2023. Sản lượng tổng đàn heo nái đạt 65.000 con, sản lượng heo thịt thương phẩm bán ra thông qua các kênh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo sạch – ngon của thị trường đạt khoảng 1.560.000 con/năm cũng trong giai đoạn kể trên.
Chiến lược xây dựng chuồng trại hiện đại, an toàn sinh học
Bên cạnh việc phát triển quy mô đàn và số lượng trang trại ngày càng lớn rộng, BAF còn nỗ lực đầu tư lớn vào công nghệ chuồng trại theo các tiêu chuẩn hiện đại trên thế giới. Theo kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2030, BAF sẽ trang bị hệ thống công nghệ chuyển giao từ các tập đoàn lớn nhất tại châu Âu và Mỹ như: AP, Cristal, Skiold, Big Dutchman, …
Theo đó, mô hình trang trại được thiết kế đảm bảo mật độ chăn nuôi tối ưu, nhiệt độ ổn định giúp tập trung tuyệt đối các yếu tố về an toàn sinh học; hệ thống cho ăn tự động giúp quản lý tốt lượng cám và tránh lãng phí; hệ thống thoát phân, xử lý nước thải hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường, tái sử dụng nguồn nước thải hiệu quả… Từ đó giảm thiểu tối đa các thiệt hại, nâng cao năng suất và giảm giá thành chăn nuôi, tăng năng lực cạnh tranh của BAF trên thị trường.
Vượt qua một năm nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, BAF Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều thành tích ấn tượng, nổi bật là sự kiện chính thức nhận quyết định niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và đưa 78 triệu cổ phiếu (Mã chứng khoán BAF) vào giao dịch trên sàn HoSE. Công ty vẫn đang tích cực cải tiến quy trình chăn nuôi theo định hướng chuyên môn hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ hiệu quả và thân thiện với môi trường; góp phần quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và BAF nói riêng.